Không chỉ là những khó khăn, vất vả khi lao động xứ người, nỗi nhớ quê nhà mỗi khi mỏi mệt và áp lực, những lao động Việt Nam tại Nhật Bản còn phải đối mặt với nạn lừa đảo – người Việt bị lừa bởi chính người Việt. Đây là “mảng tối” của xuất khẩu lao động Nhật Bản, sau tất cả những lời “quảng cáo” về mức lương hấp dẫn, nhiều giờ làm thêm, môi trường sống an toàn và hiện đại…
Có thể thấy, những năm gần đây, thực trạng người Việt lừa người Việt đang trở thành một vấn nạn. Đặc biệt, mỗi khi có lao động mới sang thì con số các vụ lừa lại “tăng vọt”. Sự nghiêm trọng của vấn đề là bởi số tiền bị lừa khá lớn, từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí có người đã bị mất đến 50 man (khoảng hơn 100 triệu VNĐ).
Hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề này, cũng như giúp lao động tránh được những “chiêu trò” lừa đảo khi sang Nhật sinh sống và làm việc, bài viết xin chia sẻ các chiêu trò lừa đảo của người Việt tại Nhật.
Nội Dung Bài Viết
1. Lừa thông tin mua điện thoại
Thực tế, có rất nhiều lao động Việt Nam khi mới sang, do vốn tiếng Nhật chưa tốt cũng như chưa hiểu các vấn đề liên quan đến thủ tục nên thường nhờ bạn bè dẫn đi mua điện thoại. Khi đăng ký điện thoại ở Nhật, bạn cần phải cung cấp các loại giấy tờ cá nhân liên quan để đăng ký (như thẻ ngoại kiều, dấu cá nhân, sổ ngân hàng, thẻ bảo hiểm).
Không giống với Việt Nam, bạn chỉ cần mua máy, mua sim và kích hoạt bằng chứng minh thư là được. Ở Nhật, con dấu cá nhân được sử dụng thay cho chữ ký. Chính vì vậy, nhiều bạn đã lấy trộm thông tin của các bạn để đi đăng ký nhà mạng với mục đích lấy máy điện thoại hay máy tính bảng. Rồi đến tháng bạn sẽ phải trả tiền qua thẻ ngân hàng.
Đã có rất nhiều người mới sang, bị những người đã từng sống ở Nhật lừa lấy thông tin rất hoang mang khi nhận thông báo phải trả mấy chục man tháng đầu tiên.
Vì thế, mình khuyên các bạn hãy tìm địa chỉ uy tín để đăng ký. Bạn có thể đến thẳng hãng điện thoại vì hiện nay, các hãng cũng có nhân viên Việt Nam hỗ trợ. Ngoài ra, cũng có một số bạn du học sinh đứng ra mở dịch vụ cũng rất uy tín. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định.
Đồng thời, khi mua máy mới, bạn cũng cần chú ý việc đăng ký các dịch vụ kèm theo. Nhiều bạn thắc mắc tại sao hàng tháng bạn vẫn mất mấy man trong khi không sử dụng nhiều. Đó là bạn đã bị những người dẫn đi đăng ký bổ sung thêm các dịch vụ gia tăng mà không hề hay biết. Hãy đặc biệt lưu ý vấn đề này nhé!
2. Lừa chuyển tiền thuê nhà
Hầu hết các công ty, nghiệp đoàn Nhật đều sắp xếp chỗ ở cho lao động. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp lao động phải tự chủ động tìm nhà trọ.
Có nhiều người trong quá trình tìm hiểu thông tin qua bạn bè trên facebook có nhờ bạn bè tìm giúp nhà trọ trước khi sang. Và khi nhờ tìm nhà, bạn cần phải chuyển tiền sang trước. Và đã có nhiều người khi đến nơi mới “ngỡ ngàng” biết rằng mình bị lừa vào những khu nhà trọ kém chất lượng, không giống với hình ảnh và lời giới thiệu.
Đó thậm chí còn là những khu ổ chuột hay những phòng trọ của các bạn đã khóa trước đã sử dụng, khi chủ nhà tới kiểm tra phát hiện đồ đạc bị hư hỏng rất nhiều. Và đương nhiên, các bạn vào sau sẽ phải đền bù cho những món đồ hỏng hóc đó trong khi vừa mới vào ở.
Vì thế, các bạn khi chuẩn bị sang hãy lưu ý những thông tin này nhé! Hãy nhờ những bạn thật sự tin tưởng và có uy tín nhé!
3. Lừa mua vé máy bay
Sau điện thoại thì vé máy bay cũng là “địa bàn” của nhiều đối tượng lừa đảo. Lao động đi làm việc tại Nhật hầu hết là lao động trẻ, có sử dụng Facebook và đặt vé qua mạng xã hội này.
Chiêu trò phổ biến nhất là tung ra các đợt khuyến mại với mức giá siêu rẻ, nhưng yêu cầu trả tiền gấp. Đánh vào tâm lý muốn “săn” vé rẻ để tiết kiệm chi phí khi về thăm nhà. Trong quá trình giao dịch, những tài khoản Facebook này sẽ hỗ trợ rất nhiệt tình. Thế nhưng, sau khi chuyển khoản thì…bạn sẽ bị chặn ngay. Cũng có trường hợp xuất vé rẻ, đến khi ra đến sân bay mới biết đó là vé “ảo”. Thậm chí là xuất vé thật nhưng trước ngày bay vé đã bị hủy.
4. Vay tiền rồi không trả
Khi mới “chân ướt chân ráo” đặt chân đến một miền đất mới, chắc hẳn các bạn sẽ gặp khá nhiều bỡ ngỡ. Nắm bắt điều này, nhiều lao động đi trước đã chủ động làm quen với người mới sang. Thời gian đầu, bạn sẽ được giúp đỡ rất nhiệt tình để tạo niềm tin. Sau một thời gian, khi cảm thấy đã đủ thân thiết thì chủ động vay tiền. Khi bạn cần lấy lại khoản tiền cho vay thì chỉ nhận được sự lảng tránh, khất lần khất lượt…thậm chí là “lặn mất hình”.
Do vậy, lao động cần thật sự cảnh giác trong vấn đề cho bạn vay tiền. Nhiều bạn mới được lĩnh tháng lương đầu tiên thì cho bạn cùng phòng vay tiền. Rồi thì… mất cả bạn cả tiền vì cho vay thì dễ mà đòi lại thì khó.
5. Lừa mua bán hàng online
Cùng với sự phát triển của công nghệ thì việc mua bán online đang trở thành một xu hướng tất yếu. Rất nhiều lao động tìm kiếm nguồn hàng tại các hội nhóm, xem quảng cáo và đặt hàng trực tiếp. Và có nhiều bạn nhận được hàng không đúng với sản phẩm được giới thiệu. Thậm chí là chuyển tiền rồi nhưng không nhận được hàng.
6. Lừa chuyển tiền tay ba về nước
Tất cả lao động đều có nhu cầu chuyển tiền về gia đình. Tuy nhiên, hầu hết lao động đều ngại chuyển qua các ngân hàng vì thủ tục khá phức tạp, bị chênh tỷ giá nhiều.
Từ đó có dịch vụ chuyển tiền tay ba. Hình thức này là: Bạn chuyển tiền Yên bên Nhật cho người thứ 3 rồi người ở nhà sẽ nhận được tiền mặt. Nhiều người cả tin không chú ý sau khi chuyển hết yên cho người ở bên Nhật thì người ở nhà vẫn chưa nhận được tiền rồi sau đó bị bùng số tiền đã chuyển. Nhiều bạn đàm phán rằng phải có biên lai chuyển tiền trong nước cho người thân thì mới chuyển đầu bên Nhật. Nhưng khi nhận được biên lai chuyển tiền thì đó là biên lai được làm giả,…
Do đó, các bạn phải đặc biệt lưu ý, việc chuyển tiền tay ba này là việc làm phạm pháp. Đây cũng là lý do khi bị lừa, bạn cũng không dám khai báo thông tin với cảnh sát Nhật. Chính vì vậy, các bạn hãy chọn những dịch vụ chuyển tiền uy tín để chuyển nhé. Chi phí không quá cao mà lại đảm bảo.
Cũng có trường hợp mải đi làm nên thi thoảng mới vào Facebook, nhiều kẻ chuyên hack tài khoản Facebook đã hack tài khoản của các bạn từ khi nào mà bạn không hề hay biết. Những kẻ đó sẽ dùng tài khoản Facebook của bạn để chat với người nhà với những lý do cần phải chuyển tiền gấp sang như, con cần tiền đóng học, con cần tiền đi viện,… Người ở nhà tưởng thật vội vàng đi chuyển tiền theo hướng dẫn của kẻ xấu. Rất nhiều gia đình đã bị lừa từ vài chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Cho nên mình khuyên các bậc phụ huynh hãy thật cảnh giác. Lưu ý, khi nhận được tin nhắn qua facebook hay zalo thì cần gọi Facetime để xác nhận trực tiếp với các bạn du học sinh.
Trước những vấn đề này, lao động khi chuẩn bị sang làm việc tại Nhật Bản cần thật sự lưu ý. Việc nắm bắt những thông tin này sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro từ những “chiêu trò” lừa đảo. Với những chia sẻ trên, mình hy vọng đã đem đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc, đặc biệt là những lao động đang chuẩn bị đến với “xứ sở hoa anh đào”.
Các bạn có thể tham gia Group Cộng đồng du học Việt Nhật để được các anh chị đi trước chi sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau nhé
Link: https://www.facebook.com/groups/hotroduhocnhatban
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
HỖ TRỢ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA
HOTLINE: 091.858.2233 (Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS)
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.